Theo mô hình nói trên, CTRSH được phân thành 3 loại, gồm: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, vỏ rau củ quả, lá cây… sẽ được người dân phân loại riêng chứa trong xô; hằng ngày Đội thu gom, xử lý chất thải thực phẩm thu gom mang về ủ để làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, như giấy, kim loại, các loại nhựa, chai lọ thủy tinh… các hộ phân loại để tái sử dụng, bán cho các cơ sở thu mua ve chai, hoặc chuyển giao cho Hội phụ nữ bán để gây quỹ; rác bao bì nhựa, nhựa dùng một lần sau khi sử dụng, các hộ tiến hành làm sạch sơ bộ sẽ được thu gom, xử lý định kỳ 2 tuần/lần. Đối với CTRSH khác, như: Tã, bỉm, giấy ăn đã sử dụng, giấy ướt, khẩu trang, các loại hộp xốp, hộp sữa, đầu lọc thuốc lá, mảnh sành, sứ... sẽ được phân loại riêng để xe vận chuyển của Ban quản lý cấp và thoát nước huyện Tây Sơn đến từng hộ thu gom và đưa về bãi chôn lấp chất thải rắn của huyện xử lý theo định kỳ 3 lần/tuần.
Việc triển khai thí điểm mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSHTN tại khối phố Thuận Nghĩa nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu nguồn rác thải ra môi trường, từng bước tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn; qua đó, thực hiện có hiệu quả nội dung triển khai thí điểm mô hình phân loại CTRSHTN tại một số địa phương trong tỉnh theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2023 của UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 24.2.2023.
Tác giả bài viết: Thu Vân