Giới thiệu chung

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Thực hiện Quyết định số 748/QĐ-BXD ngày 25/6/2015 của Bộ Xây Dựng về việc công nhận thị trấn phú phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định là đô thị loại IV.
Thị trấn Phú Phong là trung tâm kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội của huyện Tây Sơn; có Quốc lộ 19 đi qua và giao điểm của Tỉnh lộ 635 (nay là Quốc lộ 19B): nối liền Quốc lộ 1A với Quốc lộ 19. Do đó, thị trấn Phú Phong vừa là đầu mối giao thông thuận lợi, vừa nằm trên hành lang phát triển kinh tế Đông-Tây của tỉnh, nối liền với các tỉnh Tây Nguyên. Tổng diện tích đất tự nhiên là 1.154 ha, dân số 28.946 người. Địa bàn thị trấn Phú Phong được chia làm 10 khối phố (khối 1, khối 1A, khối 2, khối 3, khối 4, khối 5, khối Thuận Nghĩa, khối Phú Xuân, khối Hòa Lạc và khối Phú Văn) bao gồm 73 tổ dân phố. Đảng bộ thị trấn có 22 chi bộ trực thuộc, với tổng số 735 đảng viên. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Tây Sơn, sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn của huyện, thị trấn đã nổ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đạt được những kết quả tích cực: Kinh tế - xã hội của thị trấn có bước phát triển khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh; công tác xây dựng Đảng được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực.
II. KẾT QUẢ THƯC HIỆN PHÁT TRIỂN THỊ TRẤN (ĐÔ THỊ LOẠI IV) TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ VĂN MINH CỦA HUYỆN TÂY SƠN TRỞ THÀNH THỊ XÃ TRONG THỜI GIAN ĐẾN
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ huyện, Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/HU, ngày 14/7/2016 về “Xây dựng đô thị Phú Phong theo hướng văn minh, hiện đại là trung tâm phát triển, sớm đưa Tây Sơn trở thành thị xã”. Sau khi ban hành Chương trình hành động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức phổ biến, quán triệt Chương trình cho cán bộ chủ chốt của huyện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể trong huyện đã tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, hội, đoàn viên và nhân dân. Qua học tập, quán triệt, cán bộ, đảng viên, hội, đoàn viên và nhân dân trong huyện đã thống nhất cao với các nội dung chủ yếu của Chương trình; nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình, từ đó có những chuyển biến bằng hành động cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng và phát triển địa phương theo định hướng chung của Chương trình.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/HU về “Xây dựng đô thị Phú Phong theo hướng văn minh, hiện đại là trung tâm phát triển, sớm đưa Tây Sơn trở thành thị xã”. Các đảng ủy cơ sở: thị trấn Phú Phong, Bình Nghi, Tây Giang, Tây Xuân, Tây Phú đã chỉ đạo ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm và 5 năm để tổ chức triển khai thực hiện theo định hướng, mục tiêu Chương trình hành động số 09-CTr/HU của Huyện ủy. Các ban, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; đồng thời, xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động. Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể phối hợp với các ngành, các cấp trong huyện tuyên truyền, vận động hội, đoàn viên tham gia thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Phú Phong là khu vực nội thị của thị xã, trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, là đầu mối giao thông của huyện.
Đảng ủy thị trấn đã ban hành Chương trình hành động số 06/CTr-ĐU, ngày 28/6/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ thị trấn làn thứ XIII về phát triển thương mại dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế trọng tâm của thị trấn giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình hành động số 07/CTr-ĐU, ngày 15/7/2016 về thực hiện Nghị Quyết Đại hội của Đảng bộ thị trấn làn thứ XIII về xây dựng và phát triển thị trấn Phú Phong theo hướng đô thị văn minh để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII về xây dựng thị trấn Phú Phong trở thành đô thị văn minh và kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 để lãnh đạo thực hiện cơ cấu kinh tế theo hướng: thương mại, dịch vụ, du lịch; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; nông nghiệp. Năm năm qua, cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và có nhiều lĩnh vực phát triển, năm sau cao hơn năm trước; tổng giá trị các ngành sản xuất trên địa bàn từ 1.424 tỷ đồng năm 2016, ước đạt 3.447,1 tỷ đồng năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 24,5%, vượt 2,0 % so với Nghị quyết. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 88,64%; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 8,88%; nông nghiệp 2,48% (Chỉ tiêu Nghị quyết tương ứng là: 87%, 10%, 3%). Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 65 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so chỉ tiêu Nghị quyết.
Thương mại, dịch vụ, du lịch từng bước phát triển đa dạng, nhiều loại hình hoạt động, nhiều thành phần kinh tế tham gia nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư đột phá, thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng bền vững như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty thương mại, dịch vụ; kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, vật tư xây dựng, nhà hàng, khách sạn và một số mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2016 có 1.789 cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đến nay đã phát triển 2.219 cơ sở kinh doanh. Giá trị sản xuất từ 1.239,5 tỷ đồng năm 2016 lên 3.097,1 tỷ đồng năm 2020; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,5%, vượt 2,5% so với Nghị quyết.
 Tập trung vận động khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài thị trấn tham gia đầu tư và phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, gia công, chế biến. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ; qua đó vận động các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật, liên doanh, liên kết mở rộng quy mô sản xuất, làm giàu chính đáng, tạo việc làm cho lực lượng lao động trên địa bàn. Năm 2016 có 266 cơ sở sản xuất, đến nay đã có 295 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong đó có nhiều hộ đầu tư ở các cụm công nghiệp của huyện. Các ngành nghề sản xuất truyền thống như: nghề đậu miếng, bún tươi, hàn, gò, điêu khắc…luôn được thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, đáp ứng một phần nhu cầu cho người tiêu dùng tại địa phương. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng từ 134,5 tỷ đồng năm 2016 lên 295,5 tỷ đồng năm 2020; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20,5%, giảm 0,5% so với Nghị quyết.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình, dự án đẩy mạnh việc chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, cùng với sự đầu tư đúng mức của người dân đã đem lại hiệu quả, năng suất sản lượng năm sau cao hơn năm trước nhất là mô hình rau an toàn dự án vietgap tại hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa. Giá trị sản xuất nông nghiệp từ 50 tỷ đồng năm 2016 lên 53,8 tỷ đồng năm 2020; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,0% giảm 4,0% chỉ tiêu Nghị quyết.
- Diện tích cây lúa gieo sạ hàng năm 640,0 ha, năng suất bình quân 65,8 ta/ha; các loại cây trồng khác như: mì, đậu, bắp lai, rau màu các loại… đều cho năng suất cao, tổng sản lượng quy thóc đạt 4.211 tấn. Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án nông nghiệp và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp nên đã cho ra các sản phẩm nông nghiệp sạch và thành lập các nhóm sở thích trồng rau an toàn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển du lịch nông nghiệp. Chăn nuôi giữ vững và ổn định về số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi phát triển; đàn bò hiện có 25.000 con, tỷ lệ bò lai 96%; đàn heo 12.000 con, tỷ lệ heo lai 100%; đàn gia cầm 107.000 con đã góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. 
Kinh tế hợp tác xã được duy trì và củng cố tổ chức, để điều hành sản xuất kinh doanh, làm ăn hiệu quả như Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Phú Phong 1, Quỹ tín dụng nhân dân Quang Trung kinh doanh có lãi, tạo lòng tin trong thành viên và nhân dân. Trong nhiệm kỳ Quỹ tín dụng nhân dân Quang Trung bình quân dư nợ cho vay khách hàng trên 40 tỷ đồng không có nợ xấu; tổng doanh thu Hợp tác xã nông nghiệp thị trấn Phú Phong I bình quân hàng năm trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, còn một số hợp tác xã do thiếu vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng đầu tư, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực. Trong nhiệm kỳ qua, cùng với huyện đã đầu tư sửa chữa nhiều công trình quan trọng trên địa bàn như thảm nhựa, bê tông xi măng các tuyến đường nội thị: Đường Võ Xán, đường Nguyễn Huệ, đầu tư lát vỉa hè đường Phan Đình Phùng, khu dân cư ngã 3 Quốc lộ 19 - đường Nguyễn Huệ. Ngoài ra, còn đầu tư các công trình kỹ thuật khác như: hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư ngã 3 Quốc lộ 19 - đường Nguyễn Huệ, khu dân cư Soi Khánh - Soi Cát, khu dân cư phía Nam Quốc lộ 19. Cùng với các thành phần kinh tế khác triển khai đầu tư các công trình như: Công ty may Tây Sơn đầu tư xây dựng mở rộng nhà xưởng số 2, Trung tâm thương mại Tây Sơn, … góp phần thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, thị trấn cũng tập trung đầu tư xây dựng bê tông hóa 7,0 km đường giao thông nội bộ khu dân cư ở các khối phố; kiên cố hóa 2,6 km kênh mương nội đồng; xây dựng hoàn thành 0,98km hệ thống thoát nước trong khu dân cư. Thực hiện bê tông hóa 13 km đường giao thông nông thôn các loại theo cơ chế đặc thù. Cơ sở vật chất ở trụ sở các khối phố, phòng làm việc các ban ngành, đoàn thể UBND thị trấn, trạm y tế cũng được quan tâm đầu tư sửa chữa, mua sắm đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, người lao động tại đơn vị. Từ nguồn vốn được cấp trên hỗ trợ, UBND thị trấn đã tập trung việc khơi thông cống rãnh, trồng và chăm sóc cây xanh hoa viên đô thị; sửa chữa và lắp mới hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn; đầu tư hệ thống đèn Led chiếu sáng một số tuyến đường trục chính như Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Ngọc Hân; chỉnh trang đô thị thị trấn… nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của nhân dân, xây dựng môi trường đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng.
III. CÁC GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN ĐẾN
Đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư nhằm huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi các thành phần kinh tế tập trung phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch tạo bước đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp chợ Phú Phong. Cùng với các thành phần kinh tế mở rộng kinh doanh dịch vụ, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương nhất là các mặt hàng thủ công- mỹ nghệ, hàng lưu niệm truyền thống. Cùng với huyện tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ  cho phát triển du lịch; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho hoạt động dịch vụ, du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 90,6% trong cơ cấu kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống ở khối 1, khối 1A và các ngành nghề khác, phát triển phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm của ngành, nghề truyền thống, nông sản, thực phẩm vươn ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng; gắn hoạt động trồng hoa sen và  kết hợp sinh thái trải niệm với phục vụ khách du lịch góp phần tạo không gian đẹp và phát triển đô thị. Tập trung vận động khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi các thành phần kinh tế trong và ngoài thị trấn tham gia đầu tư để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, gia công, chế biến …Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp chiếm 8,3%.
Tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tổng giá trị nông nghiệp ước đạt 187 tỷ đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng nông nghiệp chiếm 1,1%. 
Chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ cho người dân, đưa vào sản xuất các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu được các loại sâu bệnh. Đẩy mạnh việc đầu tư thâm canh tăng giá trị, sản lượng trên đơn vị diện tích, chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo chương trình VietGap, phấn đấu đạt tiêu chuẩn rau sạch 5 sao, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau, quả an toàn; đồng thời, xây dựng các cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm các loại nông sản, thực phẩm an toàn.
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ và bảo vệ môi trường. Duy trì phát triển đàn bò thịt, nạc hóa đàn lợn để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chăn nuôi, nâng cao tỷ trọng của chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục sắp xếp, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp theo đúng Luật hợp tác xã. Chú trọng mở rộng các loại hình dịch vụ trong hợp tác xã, mở rộng liên kết hợp tác, phát triển đa dạng ngành nghề, tạo điều kiện để các thành viên hợp tác xã yên tâm góp vốn làm ăn lâu dài, bền vững. 
Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất của địa phương, sử dụng các nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện các công trình phục vụ dân sinh, bê tông xi măng đường nội bộ các khu dân cư hiện hữu chưa được đầu tư, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu dân cư quy hoạch mới đáp ứng yêu cầu, chú trọng hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, …. phù hợp với  quy hoạch chung xây dựng đô thị Phú Phong đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương, phấn đấu đến năm 2025, các tuyến đường chính đô thị  trên địa bàn thị trấn đều có hệ thống chiếu sáng. Từng bước chỉnh trang đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống cây xanh đô thị dọc các tuyến đường trục chính, duy trì và chăm sóc 8 hoa viên, công viên trên địa bàn. Đảm bảo hoàn thiện và phát triển đô thị Phú Phong theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Vận dụng cơ chế hỗ trợ xi măng để sửa chữa, mở rộng đường giao thông nông thôn bị hư hỏng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, triển khai đầu tư sửa chữa các tuyến đường bê tông xi măng hiện trạng bị hỏng trên địa bàn thị trấn.                                                                           
Cùng với huyện tiến hành quy hoạch chi tiết nội thị thị trấn Phú Phong để làm cơ sở cho đầu tư phát triển thị trấn Phú Phong theo hướng chuẩn đô thị văn minh như: khu đô thị phía Đông thị trấn Phú Phong, khu dân cư phía Nam Quốc lộ 19, chỉnh trang đô thị khu dân cư sinh thái bầu Bà Lặn, Qui hoạch chỉnh trang đô thị khối Hòa Lạc, khu dân cư tổ 2B khối Hòa Lạc, khu dân cư khối 1, Đầu tư khu du lịch Bầu sen khối 1, Dự án trồng sen kết hợp sinh thái trải niệm khối Thuận Nghĩa, và một số công trình khu dân cư khác trên địa bàn thị trấn Phú Phong.
Với những tiềm năng lợi thế của địa phương, thị trấn sẽ tiếp tục phát kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp hài hòa các mục tiêu ngắn hạn với dài hạn để đảm bảo phát triển bền vững. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm lợi thế để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại, tiểu thủ công nghiệp xây dựng - nông nghiệp. Phát triển dịch vụ, công nghiệp làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch với tốc độ tăng trưởng cao, trở thành các ngành kinh tế chủ đạo; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp sinh thái ven đô thị theo hướng bền vững, hiệu quả. Từ đó xây dựng thị trấn Phú Phong trở thành một trong những địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây